Một bệnh nhân nữ 70 tuổi sau khi uống thuốc chống say tàu xe đã bị sock phản vệ nặng phải nhập viện cấp cứu.
Khoa Hồi sức cấp cứu – BVĐK Mộc Châu, Sơn La cho biết, các bác sĩ của BV vừa cấp cứu thành công một ca sock phản vệ rất nặng do uống thuốc say tàu xe.
Theo lời gia đình kể lại, sau khi uống thuốc chống say xe dạng nước khoảng 5 phút, bệnh nhân xuất hiện khó thở, buồn nôn, nôn ra thức ăn, hoa mắt chóng mặt, nổi mày đay mẩn ngứa toàn thân.
Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Bác sĩ chuyên khoa I – Hoàng Thanh Hà, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Mộc Châu cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp không đo được, tim loạn nhịp, kích thích, đại tiểu tiện không tự chủ, khó thở, thở rít, da niêm mạc tái nhợt. Đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu hơn 1 giờ bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch.
Cũng theo Bs Hà, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Sock có thể tiến triển trong vòng vài phút, và bệnh nhân có thể co giật, không đáp ứng, và tử vong. Trụy tim mạch có thể xảy ra mà không có triệu chứng hô hấp hoặc các triệu chứng khác.
Với tình trạng phản vệ, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng phản ứng dị ứng của mỗi người, số lượng chất dị ứng, tốc độ hấp thụ dị nguyên và thời gian chờ thực hiện điều trị cấp cứu. Do đó, để giảm nhẹ biến chứng, người bị dị ứng có dấu hiệu phản vệ cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các bước cấp cứu, giảm những nguy cơ gây biến chứng nặng nề.
Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai cho hay: Sock phản vệ có thể gặp ở khắp nơi từ những tình huống tưởng như rất đơn giản nhất nhưng cũng là mối đe doạ lớn đến tính mạng.
GS Bình cũng chia sẻ, trong quá trình làm nghề của mình ông đã gặp những trường hợp sock phản vệ “thật mà như đùa”, đó là một người phụ nữ được đưa vào cấp cứu vì dị ứng hoa. Khi tiếp xúc với dị nguyên toàn thân chị phù nề, mạch nhanh, huyết áp tụt. Lập tức được đưa vào viện cấp cứu nên đã qua cơn nguy kịch. Hay có một thanh niên được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, toàn thân phù nề chỉ vì thái một củ hành…
“Những nguy cơ sock phản vệ có ở khắp mọi nơi tuy nhiên trang bị kiến thức và các biện pháp sơ cứu ban đầu trong cộng đồng hiện nay lại chưa được chú trọng và ít người quan tâm. Do đó dễ bỏ qua nhiều cơ hội cấp cứu người bệnh”, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam chia sẻ.
H.Nguyên