Lý Tử Thất thay đổi thông tin trên mạng xã hội cho thấy tín hiệu tích cực. Nhiều người mong đợi cô sớm trở lại, chia sẻ video về nấu ăn, cuộc sống điền viên.
Theo Ifeng ngày 23/2, công ty của Lý Tử Thất – Truyền thông Văn hóa Tử Thất Tứ Xuyên – có thay đổi thông tin đăng ký. Theo đó, giám đốc điều hành và cổ đông lớn đều từ Lý Giai Giai thành Lý Tử Thất. Ngoài ra, người điều hành Xưởng nghệ thuật hoa ở quận Phù Thành, Miên Dương, Tứ Xuyên cũng được đổi từ Lý Giai Giai thành Lý Tử Thất.
Lý Tử Thất là nghệ danh, tên thật của “tiên nữ đồng quê” là Lý Giai Giai. Vì vướng vụ kiện tranh giành thương hiệu với công ty quản lý Vô Niệm Hàng Châu và CEO Lưu Đồng Minh – chủ công ty Weinian, người hợp tác quảng bá video của cô – Lý Tử Thất phải đổi tên, đứng trước nguy cơ mất trắng sự nghiệp.
Theo nhiều nền tảng trên mạng xã hội Trung Quốc, Lý Tử Thất chính thức đổi tên thật của mình từ Lý Giai Giai thành Lý Tử Thất.
Khán giả phản ứng tích cực khi thấy Lý Tử Thất lấy lại được tên thương hiệu nhưng chưa rõ thời gian cô quay trở lại làm video.
“Vậy khi nào Lý Tử Thất sẽ cập nhật lại? Tôi muốn xem những video mới. Mặc dù có rất nhiều video quảng bá văn hóa truyền thống, tôi cảm thấy không video nào có tính chữa lành như video của Lý Tử Thất. Lần nào tôi cũng xem video của cô ấy cũng khiến lòng dịu lại”, “Lý Tử Thất đã là Lý Tử Thất. Mong đợi sự trở lại của tiên nữ đồng quê”, “Tôi muốn biết khi nào cô ấy trở lại, để có thể trải nghiệm cảm giác trở lại với thiên nhiên”… – khán giả để lại bình luận.
Có gần 26 triệu người theo dõi, bài cập nhật gần nhất của Lý Tử Thất từ tháng 4/2022. Sự vắng bóng của cô với các video nấu ăn, chủ đề cuộc sống nông thôn được xem là “hiếm có khó tìm”.
QQ bình luận có hàng trăm người được Lý Tử Thất truyền cảm hứng, chuyển sang làm nội dung với phong cách tương tự nhưng không thể vượt được cái bóng của cô. Video của cô được chăm chút từng bối cảnh, khung hình, lượt xem và theo dõi vẫn tăng đều đặn trong thời gian Lý Tử Thất vắng mặt. QQ từng đưa tin mỗi tháng Lý Tử Thất kiếm được khoảng 785.000 NDT (khoảng gần 120.000 USD, tương đương 2,7 tỷ đồng) nhờ kênh YouTube dù 2 năm không có thêm video mới.
Người phụ nữ sinh năm 1990 được coi là đại sứ quảng bá văn hóa khi cố gắng quảng bá hình ảnh, văn hóa Trung Quốc ra thế giới. Nữ blogger nhiều lần hợp tác với các tổ chức văn hóa Trung Quốc, tham gia sự kiện giới thiệu đồ thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, trở thành Đại sứ xúc tiến lễ hội thu hoạch mùa thu của đất nước tỷ dân.
Theo Hà Trang (Tiền Phong)