GĐXH – Sốc phản vệ là tình trạng phản ứng dị ứng cấp tính có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì bị sốc phản vệ từ những tình huống bất ngờ.
Bị sốc phản vệ từ những tình huống bất ngờ
Mới đây, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu – BVĐK Mộc Châu, Sơn La vừa cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ rất nặng do uống thuốc say tàu xe.
Theo lời gia đình kể lại, sau khi uống thuốc chống say xe dạng nước khoảng 5 phút, bệnh nhân xuất hiện khó thở, buồn nôn, nôn ra thức ăn, hoa mắt chóng mặt, nổi mày đay mẩn ngứa toàn thân. Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện cấp cứu.
BSCKI Hoàng Thanh Hà (Phó khoa Hồi sức cấp cứu BVĐK Mộc Châu) cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng huyết áp không đo được, tim loạn nhịp, kích thích, đại tiểu tiện không tự chủ, khó thở, thở rít, da niêm mạc tái nhợt. Đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu hơn 1 giờ, bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch.
Theo chia sẻ từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, anh N.V.H (49 tuổi) đang chạy xe thì bị ong chích một mũi vào cổ khiến hai mắt và môi sưng phù, nhìn mờ, khó thở, rơi vào lơ mơ. Anh H được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cấp cứu.
Tiếp nhận người bệnh trong tình trạng lơ mơ, khó thở, các bác sĩ nhận định người bệnh sốc phản vệ độ 2 do ong đốt. Ngay lập tức, người bệnh được tiêm adrenaline phác đồ chống sốc phản vệ của Bộ Y tế và theo dõi sát các chỉ số huyết áp, mạch, nhịp thở, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu).
Sau 3 tiếng được các bác sĩ điều trị, anh H hết khó thở, bớt ngứa, vùng quanh mắt và môi không còn sưng. Sau 24 giờ theo dõi, các triệu chứng sốc phản vệ không còn tái diễn. Anh H được xuất viện.
Nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì bị sốc phản vệ từ những tình huống bất ngờ. Ảnh minh họa
Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) một trường hợp nam bệnh nhân (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) cũng phải cấp cứu do ăn hải sản dẫn đến sốc phản vệ độ 2.
Khai thác bệnh sử, sau khi ăn tôm, bệnh nhân bị ngứa 2 lòng bàn tay, bàn chân, phù mặt, sưng mí mắt, buồn nôn… Dù đã tự mua thuốc dị ứng điều trị nhưng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do thức ăn.
Bệnh nhân đã được cấp cứu theo phác đồ điều trị sốc phản vệ gồm tiêm Adrenalin, sử dụng thuốc vận mạch, truyền dịch…
GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam (nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai) cho hay: Sốc phản vệ có thể gặp ở khắp nơi từ những tình huống tưởng như rất đơn giản nhất nhưng cũng là mối đe doạ lớn đến tính mạng.
Theo GS.TS Bình có những trường hợp sốc phản vệ “thật mà như đùa”. Có những trường hợp được đưa vào cấp cứu vì dị ứng hoa. Khi tiếp xúc với dị nguyên toàn thân người này phù nề, mạch nhanh, huyết áp tụt. Được đưa vào viện cấp cứu nên đã qua cơn nguy kịch. Hay một thanh niên được người nhà đưa đến nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, toàn thân phù nề cũng chỉ vì thái một củ hành…
Sốc phản vệ là gì?
Sốc phản vệ là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Với sự xuất hiện đột ngột của giãn mạch và thành mạch tăng tính thẩm thấu, phế quản nhạy cảm quá mức, sốc phản vệ là một hội chứng lâm sàng dễ nhận biết.
Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, huyết áp giảm đột ngột, bít hẹp đường thở, gây khó thở.
Một số trường hợp có thể xác định được nguyên nhân gây ra sốc phản vệ nhưng có những trường hợp lại rất khó để có thể xác định nguyên nhân gây ra. Có thể là có sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau, việc chẩn đoán càng trở nên khó khăn hơn.
Theo Bệnh viện Vinmec, khoảng 20% những trường hợp bị sốc phản vệ không xuất hiện các triệu chứng ở da hay niêm mạc, số khác lại xuất hiện triệu chứng ở hệ tuần hoàn như giảm huyết áp.
Sự tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể dẫn đến cơ thể xuất hiện một lượng lớn các yếu tố gây giãn mạch, huyết áp giảm khiến cơ thể có thể bị sốc phản vệ. Sốc do tiêm kháng sinh penicillin là loại sốc phản vệ hay gặp nhất.
Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, huyết áp giảm đột ngột, bít hẹp đường thở, gây khó thở.
Nguyên nhân gây ra sốc phản vệ
Sốc phản vệ xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Các dị nguyên có thể là:
– Cây độc, vết côn trùng cắn (đốt/chích), phấn hoa, lông của động vật.
– Các loại hạt, bụi, nhựa cao su.
– Các loại tôm, cua, sò, hến, cá ngừ, lạc, hạt điều, hạnh nhân, trứng, sữa bò, đậu tương, vừng…
– Nấm và mốc.
– Nước bọt của động vật.
Các loại thuốc: thuốc gây tê, kháng sinh, kháng huyết thanh, vaccine…
Nếu không tìm ra nguyên nhân gây dị ứng, có thể thực hiện xét nghiệm dị ứng để biết được dị nguyên gây dị ứng. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, người bị dị ứng không tìm được nguyên nhân gây ra sốc phản vệ hay còn gọi là sốc phản vệ vô căn.
Nguy cơ nào có thể làm tăng nguy cơ sốc phản vệ?
Dù không có nhiều nguy cơ gây ra sốc phản vệ nhưng một vài yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ:
Từng bị sốc phản vệ trong quá khứ. Nếu đã bị sốc phản vệ một lần, nguy cơ gặp phải phản ứng nghiêm trọng này sẽ tăng lên. Mức độ phản ứng trong tương lai sẽ nghiêm trọng hơn so với lần đầu.
Dị ứng hoặc hen suyễn. Nếu mắc phải một trong hai tình trạng này đều có nguy cơ bị sốc phản vệ cao hơn.
Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm bệnh tim và sự tích tụ bất thường của một loại tế bào bạch cầu nhất định (chứng tăng sản bào).
Triệu chứng sốc phản vệ
Theo BS.CKI Trương Trọng Tuấn (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM), các triệu chứng của tình trạng sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng vài phút sau khi tiếp xúc với dị nguyên.
Tuy nhiên, sốc phản vệ đôi khi tình trạng này có thể xảy ra sau khi tiếp xúc dị nguyên nửa giờ hoặc lâu hơn. Trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra nhiều giờ sau đó.
Các dấu hiệu và triệu chứng sốc phản vệ thông thường bao gồm:
Các phản ứng trên da bao gồm phát ban, ngứa, da nóng bừng hoặc nhợt nhạt; ngứa ran bàn tay, bàn chân, miệng hoặc da đầu.
Huyết áp thấp (hạ huyết áp).
Co thắt đường thở, sưng cổ họng, gây tình trạng thở khò khè, khó thở.
Mạch nhanh nhẹ khó bắt.
Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Chóng mặt hoặc ngất xỉu.
Đột nhiên cảm thấy quá nóng.
Cảm giác như có một khối u trong cổ họng hoặc cảm thấy khó nuốt.
Đau bụng.
Chảy nước mũi và hắt hơi.
Sưng lưỡi/môi.
Cảm giác như có điều gì đó không ổn đang xảy ra với cơ thể.
Nếu cho rằng mình bị sốc phản vệ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ y tế ngay lập tức để tránh gặp phải các biểu hiện nặng nề hơn bao gồm:
Tình trạng khó khăn khi thở.
Chóng mặt.
Lú lẫn.
Cảm giác tình trạng yếu ớt xảy đến đột ngột.
Mất dần ý thức.
Cách chẩn đoán sốc phản vệ
Theo Trung tâm Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) chẩn đoán sốc phản vệ khi có 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:
Thứ nhất:
Xuất hiện đột ngột (trong vài phút đến vài giờ) các triệu chứng ở da, niêm mạc (ban đỏ, ngứa, phù môi – lưỡi – vùng hầu họng) và có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau:
Triệu chứng hô hấp (khó thở, khò khè, ho, giảm oxy máu).
Tụt HA hoặc các hậu quả của tụt HA: ngất, tiểu tiện không tự chủ.
Thứ 2:
Xuất hiện đột ngột (vài phút – vài giờ) 2 trong 4 triệu chứng sau đây khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên hoặc các yếu tố gây phản vệ khác:
Các triệu chứng ở da, niêm mạc.
Các triệu trứng hô hấp.
Tụt huyết áp hoặc các hậu quả của tụt huyết áp.
Các triệu chứng tiêu hóa liên tục (nôn, đau bụng)
Thứ 3:
Tụt huyết áp xuất hiện vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với 1 dị nguyên mà người bệnh đã từng bị dị ứng.
Trẻ em: giảm ít nhất 30% huyết áp tâm thu hoặc tụt huyết áp tâm thu so với tuổi.
Người lớn: Huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc giảm 30% giá trị huyết áp tâm thu.
Nhiều loại thức ăn gây nên tình trạng sốc phản vệ cho người sử dụng.
Biến chứng nguy hiểm của sốc phản vệ
Cũng theo BS Trương Trọng Tuấn, sốc phản vệ là tình trạng y khoa vô cùng nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng tắc đường thở, khiến người mắc không thở được. Đây cũng là yếu tố khiến tim có thể ngừng đập do huyết áp giảm khiến tim không nhận đủ oxy.
Những tình trạng này có thể góp phần vào các biến chứng tiềm ẩn như:
Tổn thương não.
Suy thận.
Sốc tim (tim không bơm đủ máu cho cơ thể).
Loạn nhịp tim, nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm.
Nhồi máu cơ tim.
Tử vong.
Trong một số trường hợp, các tình trạng y tế tiềm ẩn, vốn có trước đó sẽ trở nên tồi tệ hơn, bao gồm các vấn đề của hệ hô hấp (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, khiến người bệnh đối diện nguy cơ thiếu oxy, nhanh chóng gây ra những tổn thương không thể phục hồi cho phổi); làm tăng nặng các triệu chứng ở người bị bệnh đa xơ cứng… Do đó, điều trị sốc phản vệ càng sớm, người bệnh càng ít gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Xử trí sốc phản vệ
Theo Trung tâm Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), nguyên tắc xử trí cấp cấp cứu sốc phản vệ: Khẩn cấp, tại chỗ, dùng ngay Adrenalin.
Xử trí cấp cứu: đồng thời, linh hoạt.
– Ngừng ngay tiếp xúc với dị nguyên: theo mọi đường vào cơ thể.
– Dùng ngay adrenalin: adrenalin là thuốc quan trọng nhất không có chống chỉ định tuyệt đối trong cấp cứu sốc phản vệ.
+ Adrenalin tiêm bắp ngay.
+ Adrenalin truyền tĩnh mạch, nếu tình trạng huyết động vẫn không cải thiện sau 3 lần tiêm bắp adrenalin (có thể sau liều tiêm bắp adrenalin thứ hai).
+ Nếu không đặt được truyền adrenalin tĩnh mạch có thể dùng dung dịch adrenalin 1/10.000 (pha loãng 1/10) tiêm qua ống nội khí quản hoặc tiêm qua màng nhẫn giáp với liều 0,1ml/kg/lần, tối đa 5ml ở người lớn và 3ml ở trẻ em.
– Đảm bảo tuần hoàn, hô hấp
+ Ép tim ngoài lồng ngực, bó bóng Ambucos oxy nếu ngừng tuần hoàn.
+ Mở khí quản ngay nếu có phù nề thanh môn (da xanh tím, thở rít).
– Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp, chân cao.
– Thở oxy 6-8 lít/ phút cho người lớn, 1-5 lít/phút cho trẻ em.
– Thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch riêng: dung dịch truyền tốt nhất trong cấp cứu sốc phản vệ là dung dịch Natriclorua 0,9%, truyền 1-2 lít ở người lớn, 500ml ở trẻ em trong 1 giờ đầu.
– Gọi hỗ trợ hoặc hội chẩn Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực (nếu cần).
– Các thuốc khác.
+ Dimedrol 10mg tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 2 ống ở người lớn, 1 ống ở trẻ em, có thể tiêm nhắc lại mỗi 4-6 giờ. Cách dùng khác (theo tuổi).
Chú ý:
– Điều dưỡng có thể sử dụng adrenalin tiêm bắp theo phác đồ khi bác sĩ không có mặt.
– Tùy theo điều kiện và chuyên khoa mà sử dụng các thuốc và phương tiện cấp cứu hỗ trợ khác.
Theo dõi điều trị
Trong giai đoạn sốc: liên tục theo dõi mạch, huyết áp, nhịp thở, SpO2, tri giác và thể tích nước tiểu cho đến khi ổn định.
Người bệnh sốc phản vệ cần được theo dõi ở bệnh viện đến 72 giờ sau khi huyết động ổn định.
Cách phòng ngừa sốc phản vệ
Xác định nguyên nhân kích hoạt sốc phản vệ
Tìm hiểu về nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng và xảy ra sốc phản vệ để tránh tiếp xúc các dị nguyên gây ra phản ứng.
Nếu đã bị sốc phản vệ và chưa được chẩn đoán bị dị ứng, nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa xét nghiệm để thực hiện gói xét nghiệm dị ứng nhằm xác định nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng cho cơ thể.
Tránh các yếu tố kích hoạt sốc phản vệ
Thực phẩm
Có thể giảm nguy cơ tiếp xúc với chất gây dị ứng thực phẩm bằng cách:
Kiểm tra nhãn và thành phần thực phẩm.
Thông báo cho nhân viên nhà hàng biết loại thực phẩm bạn bị dị ứng để đầu bếp không đưa vào món ăn.
Ghi nhớ một số loại thực phẩm có thể chứa chất gây dị ứng tiềm ẩn như nước sốt có chứa thành phần đậu phộng, lúa mì…
Côn trùng đốt
Có thể giảm nguy cơ bị côn trùng đốt bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa:
Di chuyển chậm rãi, không hoảng sợ hay xua tay khi thấy ong bắp cày, ong vò vẽ…
Sử dụng thuốc chống côn trùng nếu hoạt động nhiều ngoài trời, nhất là vào mùa Hè.
Uống hết lon nước hoặc che đậy khi nước còn dư bởi côn trùng xung quanh có thể bò vào trong lon và đốt vào miệng khi uống.
Không đi lại quanh sân vườn, sân nhà bằng chân đất.
Một số cơ sở y tế có chuyên khoa dị ứng cũng có thể đưa ra phương pháp điều trị đặc biệt giúp giải mẫn cảm với vết đốt của côn trùng (liệu pháp miễn dịch).
Các loại thuốc
Nếu bị dị ứng với một số loại thuốc, hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc có thể thay thế như:
Penicillin có thể thay bằng nhóm kháng sinh macrolid.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, aspirin có thể thay bằng paracetamol. Tuy nhiên, cần đọc kỹ thành phần của thuốc để đảm bảo chúng không chứa NSAID.
Thuốc gây mê toàn thân có thể thay bằng loại thuốc khác; hoặc có thể thay thế bằng phương pháp gây tê cục bộ hay tiêm ngoài màng cứng.
Nói với bác sĩ về loại thuốc bạn bị dị ứng vì có thể bác sĩ không biết về tiền sử dị ứng thuốc của bạn.