Chẳng nàng dâu nào muốn biến mình trở thành một ‘cô con dâu hoàn hảo’ chỉ vì có thể làm quần quật tất cả mọi việc.
01
Hằng là một người chu toàn và cẩn thận. Cô hiền lành, hay làm nên từ bé đến lớn nhận về không ít lời khen ngợi từ hàng xóm, láng giềng.
Lớn lên, cô kết hôn với Hải. Hằng rất chăm lo cho gia đình. Sống chung với bố mẹ chồng, cô muốn khiến cả nhà thoải mái, sống không xích mích nên việc gì cũng làm mà không chút so đo.
Mỗi ngày, cô thức dậy từ 6 giờ sáng để nấu cơm cho cả nhà. Xong xuôi, Hằng vội đi làm cho kịp giờ. Suốt thời gian đó, bố mẹ chồng và cả chồng đều đang ngủ.
Bữa tối, Hằng lao về nhà để nấu nướng bữa tối, dọn dẹp căn bếp. Sau đó, cô giặt đồ, phơi đồ cho gia đình. Vì có nhiều món cần giặt tay mà bố mẹ chồng khó tính nên ngày nào cũng vậy, Hằng lúi húi cả 2 tiếng đồng hồ để giặt quần áo.
Cuối tuần, Hằng lại dành nửa ngày lau dọn căn nhà sau đó tất bật cuốc đất, trồng rau vì gia đình có mảnh vườn nhỏ.
Suốt thời gian đó, bố mẹ chồng sẽ đi chơi, chồng cũng có hẹn với bạn bè. Cũng có những lúc cô nhìn thấy hình Hải, chồng mình, đi cắm trại, đi dã ngoại với đám bạn. Người ta đi cả gia đình, anh nào cũng mang vợ theo chỉ có Hải là như trai tân.
Có lần anh nghe điện thoại, dường như bạn bè rủ đưa Hằng đi cùng vào dịp dã ngoại cuối tuần. Ai dè Hải quay sáng liếc vợ rồi thẳng thừng nói vào điện thoại: “Cô ấy bận làm việc nhà, đi làm sao được”.
Có lần Hằng uyển chuyển nói chuyện với chồng về vấn đề phân chia công việc nhà nhưng anh không nghe. Hải cho rằng bố mẹ chồng đã ở tuổi cần nghỉ ngơi, ai lại để bố mẹ làm việc.
Họ hàng, hàng xóm đều khen Hằng là cô con dâu hoàn hảo, mẫu mực và chu toàn. Mỗi lần như vậy, mẹ chồng đều cười bảo: “Còn phải học hỏi nhiều các bác ạ”.
Tuy nhiên Hằng biết rõ, mình sắp “chìm nghỉm” vì sự hoàn hảo được đánh đổi bằng sự quần quật và hàng loạt công việc không tên.
02
Càng ngày, Hằng càng cảm thấy mình như một osin không được trả lương trong nhà chồng. Có lần Hằng ngỏ ý muốn chồng giúp đỡ việc nhà, anh làm qua loa chiếu lệ rồi còn nói với vợ: “Anh giúp lần này thôi đấy, đó là nhiệm vụ của em”.
Vợ chồng cô cưới nhau 2 năm, bố mẹ chồng muốn có cháu bế nên nói gần nói xa, thậm chí còn bóng gió cho rằng Hằng có vấn đề về sinh sản nên mãi “bụng chẳng có động tĩnh”.
Vì điều này khiến cho Hằng rất áp lực, thậm chí “chuyện vợ chồng” cũng khiến cô sợ hãi. Cuối cùng, Hằng cũng mang thai và sinh em bé kháu khỉnh.
Thời gian ở cữ, Hằng cũng đã có rất nhiều xích mích với gia đình chồng. Mẹ chồng đi ra đi vào thở dài nói mát mẻ: “Hồi xưa sinh xong 20 ngày là mẹ đã làm hết công việc rồi đấy, giới trẻ bây giờ sướng thật”.
Sau khi ra cữ, Hằng lại bắt đầu quay về với toàn bộ công việc nhà. Bố mẹ và cả chồng sẵn sàng bế con để Hằng tiếp tục làm cho xong “núi” việc không tên trong nhà. Không có sự đỡ đần nào cả, họ vẫn quây quần xem tivi, ăn hoa quả…
Có lần, mẹ chồng đã đi kể với khắp khu phố chuyện cô hỗn láo, xấu tính chỉ vì Hằng ngăn cản bà đừng cho cháu uống mật ong. Lúc đó, cháu chưa đủ 6 tháng tuổi. Hải còn bênh mẹ: “Em biết cái gì mà nói, chẳng nhẽ mẹ cho cháu ăn đồ không tốt hay sao. Mẹ đã nuôi hai anh em anh lớn tướng rồi đấy”.
Hằng và gia đình chồng bắt đầu có nhiều xích mích hơn. Cô mệt mỏi, quyết bế con về ngoại để nghỉ ngơi. Cô được bố mẹ phục vụ cơm nước mỗi ngày. Sáng ra, cô ngủ nướng sau một đêm chăm con vất vả, tỉnh dậy đã có cơm ngon canh ngọt sẵn sàng. Nhìn ra ngoài thấy bố đang hí húi phơi đồ của cháu, mẹ dọn nhà và nhỏ giọng bàn tính trưa nên nấu gì để con gái ăn cho có chất, Hằng rưng rưng xúc động và nhận ra ở nhà chồng, cô không được cảm thông đến mức nào.
Vợ ở nhà ngoại 1 tuần, Hải gọi điện đến trách móc Hằng chỉ biết nghĩ cho mình. Có con dâu nào về nhà ngoại chơi thảnh thơi như thế không.
Hải gay gắt: “Cô thu xếp đi rồi về, bố mẹ tôi chẳng thèm nói đâu nhưng ai đời con dâu bế cháu về chơi cả tuần ròng rã. Hồi ở cữ thì không nói, nhà bao việc cô về mà làm. Bố mẹ tôi già rồi, bây giờ việc gì cũng đến tay”.
Hằng nghe mà tức đến bật cười, cô nói thẳng: “Nếu anh muốn hiếu thảo với họ thì tự mình làm đi. Tôi về với bố mẹ tôi chứ có lang thang cơ nhỡ đâu mà anh làm như đất trời rung chuyển. Đừng o ép cuộc đời người khác, anh cũng biết bố mẹ già rồi thì nên xắn tay áo lên, đảm nhận hết mấy công việc nhà mà anh cho là vặt vãnh đó đi”.
Nghe Hằng nói mà Hải sững người chẳng biết đáp lại ra sao. Thậm chí sau đó cô còn ẩn ý nhắc đến chuyện ly hôn khiến anh hốt hoảng.
03
Trong hôn nhân, đôi khi đàn ông quên đi sự bình đẳng. Cả hai vợ chồng nên được đặt trên một nền tảng công bằng cả về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong hôn nhân.
Làm gì có chuyện mặc định cưới vợ về thì toàn bộ công việc nhà đều trút hết sang cho vợ. Đó là tư tưởng tìm một người giúp việc chứ đâu còn là tư tưởng tìm vợ nữa.
Nhiều người phụ nữ khi về làm dâu sẽ gặp khó khăn trong việc hòa nhập, sẽ cảm thấy không được đối xử công bằng, sẽ bị lạc lõng. Những lúc như thế, tại sao đàn ông không đứng ra giúp đỡ mà cứ phải nhấn đi nhấn lại về điều kiện, về yêu cầu, về việc con dâu phải thế nọ, thế kia.
Chẳng nàng dâu nào muốn biến mình trở thành một “cô con dâu hoàn hảo” chỉ vì có thể làm quần quật tất cả mọi việc cả. Dù cho thế nào đi chăng nữa, họ cũng muốn nhận sự giúp đỡ, sự cảm thông từ chồng và gia đình chồng thay vì việc “chỉ tay năm ngón”.
Đàn ông sau hôn nhân cũng nên hiểu rõ một điều rằng nếu muốn báo hiếu bố mẹ thì tự mình thực hiện. Đừng bao giờ nảy sinh tư tưởng tìm một cô vợ về “gánh” hết việc nhà đã là báo hiếu. Công việc vặt trong nhà đừng mặc định là nhiệm vụ của ai.
Trong quá khứ, nhiều phụ nữ bị thất thế hơn vì họ không kiếm được tiền, vì họ bị bó buộc bởi tư tưởng cũ. Thế nhưng bây giờ phụ nữ xuất sắc hơn nhiều, họ mạnh mẽ, vững vàng, có sự nghiệp, tự chủ. Họ xứng đáng được hưởng nhiều hơn là những lời ra lệnh, ép buộc hay chỉ biết lầm lũi với căn bếp.
Với hôn nhân, sự đồng hành, chung sức và thấu hiểu quan trọng hơn tất cả mọi thứ. Nếu đàn ông không làm được thì hãy đếm ngược đến ngày cuộc hôn nhân xuất hiện vết rạn nứt khó cứu.