Hội chứng ruột kích thích theo y học cổ truyền

Hội chứng ruột kích thích là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến, ảnh hưởng 5-10% dân số nói chung trên toàn cầu.

hoi chung ruot kich thich theo y hoc co truyen 7da 7162702

Hội chứng ruột kích thích gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. Ảnh minh họa: Unsplash.

Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel sydrome – IBS) là một trong những rối loạn tiêu hóa phổ biến, ảnh hưởng 5-10% dân số nói chung trên toàn cầu.

Đây là trạng thái rối loạn vận động mạn tính của đại tràng, biểu hiện gồm thay đổi thói quen đại tiện, đau bụng nhưng không có bằng chứng tổn thương thực thể.

Cơ chế bệnh sinh chủ yếu liên quan đến: tăng cảm giác đau tạng do kích thích các receptor cơ học (giảm ngưỡng đau trong đáp ứng khi ruột căng phồng), các bất thường thay đổi nhu động ruột lúc nghỉ, trong đáp ứng với stress; và sự phân bố thần kinh ngoài ruột bất thường.

Người bệnh có thể kèm theo một vài rối loạn tâm lý như: trầm cảm, hysteria, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… hoặc không dung nạp một vài loại thức ăn đặc biệt, kém hấp thu ở đoạn cuối hồi tràng…

Theo y học cổ truyền, căn cứ vào các biểu hiện lâm sàng chính của hội chứng ruột kích thích tương ứng với phạm trù các chứng tiết tả, tiện bí, phúc thống.

Những người bệnh có triệu chứng đau bụng, khó chịu vùng bụng làm chủ chứng thì thuộc phạm trù chứng “phúc thống”. Những người có chủ chứng đại tiện phân trong, loãng thì thuộc chứng “tiết tả”. Những người đại tiện khó, phân khô táo là chủ chứng thì thuộc chứng “tiện bí”.

Có 3 cơ chế chính sinh ra bệnh:

Tỳ Vị hư nhược và (hoặc) Can mất sơ tiết là yếu tố khởi phát quan trọng.

Can uất Tỳ hư là cơ chế bệnh sinh quan trọng dẫn đến sự xuất hiện các triệu chứng.

Tỳ thận dương hư, hư thực lẫn lộn khiến bệnh kéo dài và khó khỏi.

Có nhiều nguyên nhân làm cho Tỳ mất kiện vận, mất chức năng vận hóa, hình thành các sản phẩm bệnh lý như: thủy thấp, thấp nhiệt, đàm ứ, thực tích… trở trệ khí cơ dẫn đến công năng trường đạo rối loạn.

Can mất khả năng sơ tiết, hoành nghịch phạm Tỳ, Tỳ khí bất thăng tắc tiết tả. Nếu phủ khí thông giáng bất lợi thì dẫn đến phúc thống, phúc trướng; trường phủ mất chức năng truyền tống làm tiện bí, bệnh lâu ngày làm Tỳ Thận dương hư, hư thực lẫn lộn.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, phần lớn Can khí uất kết, mất sơ tiết, Can khí hoành nghịch thừa Tỳ, sau đó Tỳ thất kiện vận, sinh thấp ở trong, Tỳ hư lâu ngày mà dẫn tới Tỳ dương bất túc, sau đó Thận dương bị ảnh hưởng.

Do đó, bệnh lấy thấp làm trung tâm, Can khí uất kết xuyên suốt từ đầu đến cuối, khí cơ thất điều lấy làm ngọn, mà Tỳ Vị dương hư lấy làm gốc. Trong suốt quá trình phát bệnh, Can mất sơ tiết, Tỳ thất kiện vận, Tỳ dương cập Thận dương mất khả năng ôn ấm, cuối cùng dẫn đến cơ chế bệnh chuyển từ thực sang hư, hư thực lẫn lộn.

Tùy theo thể bệnh mà có thể ứng dụng các bài thuốc như Sâm linh bạch truật tán, Thống tả yếu phương, Phụ tử lý trung hoàn, Ô mai hoàn, Tăng dịch thang, Hoàng kỳ thang… để ích khí nhuận trường, ức Can phù Tỳ, kiện Tỳ hóa thấp chỉ tả, ôn bổ Tỳ Thận… từ đó giải quyết các triệu chứng của bệnh, lặp lại bình hòa ở trung tiêu và hạ tiêu.

Một vài nghiên cứu thời gian gần đây việc kết hợp châm cứu với thuốc y học cổ truyền cho thấy những hiệu quả đầy hứa hẹn trong việc ứng dụng châm cứu điều trị IBS.

Các huyệt thường được chọn dùng để điều trị như: Trung quản, Thiên xu, Túc tam lý, Thái xung, Tam âm giao, Quan nguyên, Chương môn, Thận du, Tỳ du, Đại trường du,…

Hội chứng ruột kích thích gây ra nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc của người bệnh. Ngoài ra, khi bị bệnh, nếu kiêng khem nhiều loại thực phẩm thì cơ thể người bệnh sẽ không được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến suy yếu, mệt mỏi. Đặc biệt, người bệnh còn dễ bị ảnh hưởng tâm lý, chán nản hoặc trầm cảm vì căn bệnh không được điều trị dứt điểm.

Vì vậy, việc kết hợp điều trị y học cổ truyền trong điều trị bệnh là một lợi thế giúp người bệnh khỏe mạnh hơn, chất lượng cuộc sống được cải thiện hơn.

Tập thể dục hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích

Hoạt động thể chất là lựa chọn đầu tay được khuyến cáo ở những người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích, giúp cải thiện triệu chứng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.

1. Vai trò của tập luyện với người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS)

– Cải thiện triệu chứng bệnh: Tăng cường hoạt động thể chất từ 20 -60 phút hoạt động vừa phải, từ 3 đến 5 ngày mỗi tuần cho thấy sự cải thiện lâm sàng về mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng hội chứng ruột kích thích so với nhóm đối chứng.

Nguyên nhân do hoạt động thể chất dường như làm tăng nhu động ruột, thúc đẩy sự phát triển khả năng miễn dịch niêm mạc khỏe mạnh và mang lại lợi ích cho mô ruột.

Cải thiện tâm trạng : Hoạt động thể chất có thể cải thiện tâm trạng của người bệnh và các triệu chứng mệt mỏi, đầy hơi và khó chịu ở bụng.

– Cải thiện tình trạng tiêu hóa bất thường: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện kiểu đại tiện và thời gian vận chuyển đại tràng ở những người bệnh phàn nàn về chứng táo bón mạn tính.

Ngược lại, những người ít vận động có nhiều khả năng mắc hội chứng ruột kích thích hơn, cũng như có liên quan đến các triệu chứng hội chứng ruột kích thích nghiêm trọng hơn những người hoạt động thể chất.

2. Một số hình thức tập luyện tốt cho người bệnh hội chứng ruột kích thích

Các hoạt động như chạy, chạy bộ, đạp xe và bơi lội được thực hiện ở cường độ thấp đến trung bình có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, lợi ích này có thể khác nhau giữa các cá nhân.

– Tập thể dục: Đi bộ, chạy bộ chậm, tập thể dục nhịp điệu vừa phải, bơi lội và đạp xe thư giãn, leo núi… Duy trì tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.

Yoga:Người bệnh có thể tập yoga kéo dài một giờ, 3 lần/tuần. Buổi tập nên được thiết kế bắt đầu bằng các bài tập thở đơn giản, các bài tập thả lỏng và các tư thế đơn giản với sự thư giãn xen kẽ, kết thúc với việc điều hòa hơi thở và thiền định. Có thể tập các động tác cây cầu (Setu Bandha Sarvangasana), chuỗi chào mặt trời (Surya Namaskar) 7 động tác…

– Các bài tập khí công, thái cực quyền , bát đoạn cẩm: Đây là những bài tập có sự kết hợp thân – tâm với sự kết hợp giữa các động tác chậm, nhẹ nhàng, tập trung hơi thở cũng giúp cải thiện các triệu chứng bệnh.

– Các bài tập trong Phương pháp dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng: Với các tác động xoa bóp nội tạng, điều tiết hơi thở, cân bằng âm dương có thể hỗ trợ cho người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích.

Đây là những bài tập có cường độ thấp, có thể tập trên giường, tại chỗ, thuận tiện, phù hợp cho mọi đối tượng và độ t.uổi. Một số bài tập phù hợp như: Thư giãn, thở 4 thời có kê mông và giơ chân, xoa tam tiêu, xoa vai tới ngực, vặn cột sống, sư tử, rắn hổ mang…

tap the duc ho tro dieu tri hoi chung ruot kich thich e46 7162084

Tập thể dục hàng ngày như chạy bộ tốt cho người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích.

– X oa bóp bấm huyệt : Bên cạnh tập luyện, xoa bóp bấm huyệt, một trong những hình thức chữa bệnh lâu đời của YHCT cũng là một phương pháp hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích đầy tiềm năng.

Liệu pháp xoa bóp bấm huyệt dưới sự chỉ đạo của lý luận YHCT giúp thúc đẩy lưu thông tuần hoàn, làm dịu cơ bắp, thư giãn cơ thể và tâm trí. Xoa bóp vùng bụng làm tăng tuần hoàn cục bộ và nội tạng, đồng thời điều hòa thời gian đi tiêu bằng cách kích thích nhu động ruột.

Một số phương pháp xoa bóp bấm huyệt:

Cách thực hiện 1: Người bệnh nằm ngửa, dùng cả lòng bàn tay xoa bụng trong 3 phút (ngược chiều kim đồng hồ đối với loại tiêu chảy, theo chiều kim đồng hồ đối với táo bón, ngược chiều kim đồng hồ và sau đó theo chiều kim đồng hồ đối với tiêu chảy và táo bón xen kẽ), day các huyệt trung quản, thiên xu và khí hải, 1 lần một ngày.

Cách thực hiện 2: Day ấn các huyệt nội tiết, đại trường, phế, thần môn ở tai bằng hạt bạch giới tử, 5 ngày/tuần trong 4 tuần cho thấy giúp giảm tình trạng đi tiêu phân lỏng, đau bụng, tiêu chảy, stress ở người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích.

Ngoài ra, theo YHCT, can uất và tỳ hư là cơ chế bệnh thường gặp trong hội chứng ruột kích thích, người bệnh có thể được xoa bóp tại các huyệt vị đặc hiệu trong điều trị các hội chứng bệnh YHCT cụ thể.

3. Một số lưu ý cho người bệnh khi tập luyện và xoa bóp

– Bắt đầu từ từ: Người bệnh nên thực hiện tập luyện từ từ với các hoạt động mới, sau đó tăng cường độ dần dần, theo dõi xem hoạt động đó ảnh hưởng như thế nào đến các triệu chứng.

Từ đó giúp người bệnh xác định khả năng chịu đựng và liệu phương pháp tập luyện mới này có giúp ích cho các triệu chứng hay không để điều chỉnh hoạt động thể chất theo nhu cầu của bản thân.

– Lựa chọn bài tập phù hợp: Những người mắc hội chứng ruột kích thích có thể phản ứng rất khác nhau với cùng một phương pháp điều trị. Do đó, có thể cần phải thử nghiệm các bài tập thể dục và kiểm tra xem phương pháp tập luyện nào hiệu quả nhất.

Chẳng hạn hoạt động liên quan đến chạy và nhảy khiến bụng di chuyển lên xuống có thể làm tăng áp lực trong bụng và chuyển động của nội tạng và gây ra tình trạng tiêu chảy ở một số người bệnh. Ngược lại, một số người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón thì thấy cải thiện triệu chứng khi chạy so với khi đi bộ.

– Cần tránh các loại bài tập cường độ cao hoặc kéo dài: Tập thể dục trong hơn 2 giờ hoặc các hoạt động chạy nhảy nhiều có thể làm xuất hiện hoặc trầm trọng hơn triệu chứng bệnh. Nguyên nhân có thể do việc nhảy làm tăng áp lực bên trong các cơ quan nội tạng hoặc ảnh hưởng lên nhu động.

tap the duc ho tro dieu tri hoi chung ruot kich thich e62 7162084

Người mắc hội chứng ruột kích thích nên tránh bài tập cường độ cao và kéo dài.

– Mặc quần áo phù hợp: Nên mặc quần áo thoải mái, những bộ đồ bó sát có thể gây khó chịu hoặc hạn chế đối với những người bị đầy hơi hoặc đau bụng.

– Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.

– Lựa chọn thực phẩm bổ sung trong tập luyện phù hợp với cơ thể: Tránh các loại thực phẩm gây kích phát triệu chứng bệnh. Một số loại thực phẩm chức năng, bột protein, đồ ăn nhẹ trước khi tập có thể gây ra một số vấn đề trên hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, một số chất làm ngọt có hàm lượng calo thấp có trong sản phẩm đồ ăn nhẹ khi tập luyện, chẳng hạn như xylitol và sorbitol có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh. Do đó, người bệnh có thể tự làm đồ ăn nhẹ giàu protein, ít các thành phần không tốt cho bệnh để bổ sung dinh dưỡng trong quá trình tập luyện.

– Thời gian tập tốt nhất: Nên tập luyện cũng như xoa bóp vào buổi sáng sớm hoặc sau bữa ăn tối ít nhất 2 tiếng để tránh ảnh hưởng đến tiêu hóa.

– Trong trường hợp bệnh cấp tính: Nếu đang có các triệu chứng tiêu chảy hoặc đau bụng dữ dội, hãy tạm dừng tập luyện và tham khảo ý kiến bác sĩ. Khi các triệu chứng đang diễn tiến, người bệnh có thể nằm nghỉ ngơi tại chỗ, tập các bài tập thư giãn, xoa trung tiêu và day ấn các huyệt vùng bụng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *