GĐXH – Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo về giải pháp tiếp cận nước sạch và vệ sinh an toàn cho phụ nữ và trẻ em nông thôn do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 20/3.
Phát biểu tại hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh , Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) cho biết, nước sạch và vệ sinh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em. Ở nước ta những năm qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân.
Tuy nhiên hiện vẫn còn 22% hộ gia đình nông thôn chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Khoảng gần 14 triệu người dân ở khu vực nông thôn đang sử dụng các nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn, 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn… Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN cho biết, nước sạch và vệ sinh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt với phụ nữ và trẻ em. Ảnh: PT
Tại Việt Nam hàng năm có khoảng 20.000 người tử vong do điều kiện vệ sinh không đảm bảo, 9.000 người tử vong do nguồn nước bị ô nhiễm… Vệ sinh môi trường yếu kém sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mỗi năm, Việt Nam thiệt hại khoảng gần 800 triệu USD do tình trạng vệ sinh kém gây ra.
Đến năm 2022, cứ 58 người trong 100 người chưa được tiếp cận được với các dịch vụ nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nông thôn. TS.BS Đỗ Mạnh Cường – Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, việc không được tiếp cận với nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thói quen đi tiêu, đi tiểu theo kiểu “nguyên thủy”… là nguyên nhân dẫn tới lưu hành, phát tán diện rộng của nhiều bệnh nguy hiểm lây truyền theo đường phân miệng. Chẳng hạn bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, giun sán, đặc biệt tay chân miệng vì nhiễm mầm bệnh có trong phân của người khác đã phát tán ra môi trường nước, đất, thực phẩm, bàn tay bẩn…
Nhằm đóng góp có hiệu quả vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt tiêu chí 17.8: tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh bảo đảm tiêu chí 3 sạch “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” theo nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội LHPNVN phát động, Trung ương Hội LHPNVN đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện 3 sạch, với mục tiêu đóng góp ít nhất 10% vào mục tiêu chung của cả nước.
Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở phát huy vai trò của các cấp Hội thông qua việc thực hiện thí điểm hỗ trợ kỹ thuật tại 4 tỉnh đã triển khai là Cà Mau, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Gia Lai.
Hai nhóm sẽ triển khai dự án là những tỉnh có số lượng đạt tiêu chí Nông thôn mới còn thấp, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp, tỷ lệ hộ gia đình nghèo chưa có nhà tiêu hộ vệ sinh cao. Nhóm 2 là tỉnh có số lượng xã đạt tiêu chí nông thôn mới cao, tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh cao nhưng vẫn còn số lượng hộ gia đình nhà tiêu/đi tiêu bừa bãi.
31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt chuẩn… Ảnh minh họa
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã cùng nhau thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiếp cận nước sạch và vệ sinh một cách hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em.
Cụ thể mà thay đổi hành vi, thói quen, tập quán không tốt bằng cách đẩy mạnh truyền thông đa dạng, cung cấp thông tin, kiến thức cho hội viên, phụ nữ về nhà tiêu hợp vệ sinh, lợi ích của việc sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh cá nhân; tổ chức các chiến dịch tham vấn với hội viên, phụ nữ để hướng dẫn, tư vấn cho các hộ gia đình xây dựng nhà tiêu và công trình chứa nước hợp vệ sinh; cần xây dựng được mô hình mới, sáng tạo, thực hành tốt phù hợp với đặc điểm văn hóa người dân ở từng vùng miền. Phát huy kinh nghiệm, chia sẻ và vận dụng sáng tạo, phù hợp cách làm của những mô hình đã thành công;
Ngoài ra, hỗ trợ gia đình hội viên có nhu cầu tiếp cận vay vốn xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh từ Ngân hàng chính sách xã hội và từ các quỹ tín dụng khác tại địa phương; tổ chức các mô hình tiết kiệm, xoay vòng vốn phù hợp để tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh trong gia đình….
Ngại dùng nhà vệ sinh công cộng vì sợ bệnh lây qua đường tình dục: Bác sĩ nói gì?
Nhiều người vô cùng e ngại khi phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim… do lo ngại bị lây nhiễm các bệnh đường tình dục.
Sổ tay xử lý nước và vệ sinh môi trường mùa bão lũ