Tỉnh dậy sau giấc ngủ, ông Đ. phát hiện cánh tay phải bỗng tê bì, đau nhức rồi lạnh ngắt, tím tái dần, không còn cảm giác.
Tình trạng trên xảy ra với ông N.V.Đ, ở Vân Đồn (Quảng Ninh), sáng 30/3. Người đàn ông có tiền sử loạn nhịp tim. Tình trạng đau nhức lan từ cánh tay xuống cẳng tay, bàn tay phải. Đau càng lúc càng dữ dội, sau đó tay ông lạnh, tím tái dần, giảm cảm giác, vận động bàn tay khó khăn.
Ông được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh), chẩn đoán tắc mạch tay phải do huyết khối, chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vào chiều cùng ngày.
“Lúc vào viện, từ 1/3 cẳng tay phải của tôi trở xuống bị tím đen như hạt mùng tơi, không có cảm giác gì, bàn tay không vận động được như thường”, ông Đ. nhớ lại. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch quay, động mạch trụ tay phải cấp tính do huyết khối.
Hình ảnh tay phải ông Đ. bị tắc mạch do huyết khối (trái) và bàn tay hồng hào sau 30 phút phẫu thuật tái thông. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cho người bệnh để lấy máu đông, tái thông mạch khẩn cấp được đưa ra, hy vọng cứu được bàn tay đang trong tình trạng thiếu máu nặng nề. Ca mổ diễn ra trong 30 phút. Hiện bệnh nhân tỉnh táo, bàn tay và ngón tay hồng ấm, mạch bắt rõ, cảm giác và vận động tay phải tốt.
Bác sĩ Hùng cho biết tắc mạch chi do huyết khối là bệnh lý tối cấp tính, cần phẫu thuật làm thông mạch ngay để cứu chi do thời gian chịu được thiếu máu chi chỉ khoảng 6-8 giờ. Trước đó, bệnh viện từng phẫu thuật mạch máu cho nhiều ca, chủ yếu là chi dưới.
“Cái khó ở trường hợp ông Đ. là các mạch ở cổ bàn tay kích thước rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 2mm, phải sử dụng kính vi phẫu”, bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ khuyến cáo người có tiền sử bệnh tim mạch, đặc biệt là rối loạn nhịp tim, rung nhĩ như bệnh nhân Đ. sẽ có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong tim. Trái tim co bóp đưa cục máu đông di chuyển theo mạch máu đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây tắc mạch, như tắc mạch não gây đột quỵ, tắc mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch chi… gây nguy cơ biến chứng tàn phế nặng nề, thậm chí tử vong.
Vì vậy, người bệnh mắc bệnh tim mạch cần được thăm khám, đánh giá dự phòng và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hoá lipid… hạn chế nguy cơ thuyên tắc mạch.
Kinh hãi cô gái 28 tuổi nhiễm sán dây bò vì món ăn quen thuộc nhiều người vẫn thích mê
GĐXH – Theo lời của bệnh nhân, chị có thói quen ăn bún bò tái kèm rau sống khoảng 3-4 lần/tháng. Gần đây khi thấy xuất hiện dấu hiệu đau bụng, ngứa hậu môn, đại tiện phân lỏng ra sán