Kiểu ăn trái cây làm giảm dinh dưỡng, tăng nguy cơ mắc bệnh tật

Một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây nếu ăn sai cách cũng có thể gây phản tác dụng, tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.

Nếu hỏi ai đó bất kỳ về tác dụng của nước ép trái cây, chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều câu trả lời thú vị. Từ giải khát, giảm cân, làm đẹp da hay tóc cho đến thải độc, cung cấp vitamin, phòng chống bệnh tật, tăng cường sức đề kháng, làm chậm lão hóa…

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích này từ nước ép trái cây. Tuy nhiên, đây không phải là cách ăn trái cây tốt nhất về cả mặt giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Nhất là so với ăn trái cây trực tiếp, bởi vì 4 lý do sau:

1. Mất đi chất xơ

Đầu tiên, quá trình ép nước trái cây sẽ khiến lượng chất xơ trong nó gần như bị loại bỏ hoàn toàn. Tiến sĩ Emma Elvin, chuyên gia tư vấn lâm sàng cấp cao tại Diabetes UK (Anh) cho biết, đây là một sự lãng phí.

Một kiểu ăn trái cây vừa làm giảm dinh dưỡng lại tăng nguy cơ bệnh tật nhưng nhiều người tưởng tốt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Chất xơ trong trái cây không chỉ cung cấp thêm năng lượng, tốt cho tiêu hóa mà còn tạo cảm giác no lâu, giảm hấp thu đường, rất tốt cho những người ăn kiêng. Tuy nhiên trên thực tế những người muốn giảm cân lại cho rằng uống nước ép tốt hơn ăn trái cây tươi, đó là một sai lầm.

2. Giảm giá trị dinh dưỡng

Nước ép trái cây được chiết xuất từ toàn bộ trái cây. Khi ép trái cây, chúng ta đã loại bỏ vỏ và phần thịt nhưng những phần này thường chứa nhiều vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Chưa kể việc cắt nhỏ, ép thành nước làm diện tích tiếp xúc nhiều, tăng tốc độ oxy hóa của nhiều chất dinh dưỡng.

Theo Tiến sĩ Jinal Patel, Chuyên gia dinh dưỡng cấp cao tại Bệnh viện Apollo Spectra (Mumbai, Ấn Độ), vitamin C và các chất chống oxy hóa là các thành phần dinh dưỡng quý nhưng dễ mất đi nhất khi chế biến trái cây thành nước ép. Ví dụ, cam chứa flavonoid, nhưng phần lớn chúng có trong phần thịt quả chứ không phải phần nước.

3. Làm tăng lượng đường và nguy cơ bệnh tật

Khi nhắc tới nguy cơ hấp thụ quá nhiều đường vì uống nước ép trái cây, nhiều người sẽ nghĩ đến giải pháp là không thêm đường vào nước ép nữa. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng ngay cả khi không thêm đường thì việc uống nước ép trái cây thay vì ăn trái cây tươi sẽ khiến cơ thể phải tiêu thụ nhiều đường hơn. Điều này không đơn giản chỉ là không tốt cho sức khỏe, gây tăng cân mà còn dẫn đến rất nhiều bệnh tật.

Thật ra, nước ép trái cây nhiều đường hơn rất nhiều so với chúng ta tưởng. Ngay từ năm 2014, các nhà khoa học đã chứng minh điều này với báo cáo khoa học đang tải trên Tạp chí nổi tiếng “Lancet Diabetes & Endocrinology”. Nó chỉ ra rằng nước ép trái cây nguyên chất rất nhiều đường, ví dụ như nước ép táo nguyên chất 100% có lượng đường gần bằng với nước ngọt có ga.

Bởi vì trong quá trình ép trái cây, toàn bộ chất xơ đã bị loại bỏ, chất dinh dưỡng và vitamin giảm đi khiến loại thức uống bạn nhận được ngoài nước thì gần như toàn là đường. Chưa kể, khi làm nước ép, bạn sẽ phải sử dụng nhiều trái cây hơn so với ăn tươi, khiến lượng đường càng tăng cao.

Trong khi đó, rất nhiều nghiên cứu khoa học đều đã chỉ ra rằng loại đường trong nước ép trái cây gây hại cho sức khỏe nếu hấp thụ nhiều. Đường phổ biến có 2 loại: glucose và fructose. Tiến sĩ Emma Elvin giải thích, không giống như trái cây nguyên trái, đường fructose trong nước trái cây là một loại “đường tự do”. Nó tương tự như mật ong hoặc đường bổ sung trong thực phẩm chế biến.

Loại đường này sẽ được hấp thụ dễ dàng hơn bằng cách ép trái cây thành nước trái cây. Bởi cơ thể hấp thụ chất lỏng dễ hơn, nhanh hơn và nhiều hơn so với huyền phù hay chất rắn. Ông cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người trưởng thành không nên tiêu thụ quá 30g đường/ngày, tương đương với không quá 150ml nước ép trái cây mỗi ngày.

Tiến sĩ Zhao Hanying, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dinh dưỡng và Sức khỏe Chenguang (Trung Quốc) thì nhấn mạnh rằng loại đường này rất có hại cho gan, thận. Không chỉ vậy, nó còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn chuyển hóa như mỡ máu, tiểu đường, cao huyết áp… và các bệnh ung thư do làm tăng khả năng viêm nhiễm. Chủ yếu là ung thư gan, ung thư tụy, ung thư vú, ung thư thận, ung thư dạ dày…

Bà cho biết thêm, việc ăn trái cây tươi khiến chúng ta bổ sung chất xơ và đường cùng lúc. Như vậy sẽ làm cản trở hấp thu đường của cơ thể. Nhưng nếu ép nước chỉ còn lại đường, thúc đẩy quá trình hấp thu nhanh hơn. Hơn nữa, khi ép nước, chúng ta không tính được lượng hoa quả nạp vào. Một số người cũng thường có xu hướng thêm đường cho ngon hơn, dễ uống hơn khi làm sinh tố, nước ép nên càng không tốt cho sức khỏe.

4. Ăn trái cây cả quả tốt cho răng miệng hơn nước ép

Thêm một lợi ích mà chúng ta sẽ mất đi khi uống nước ép trái cây thay vì ăn trái cây trực tiếp. Tiến sĩ Jinal Patel giải thích, nhai thức ăn chậm và đúng cách giúp tăng cường sức khỏe răng miệng. Bao gồm cả làm sạch, cải thiện cơ hàm, điều chỉnh khớp cắn, giúp răng và nướu khỏe mạnh hơn.

Một kiểu ăn trái cây vừa làm giảm dinh dưỡng lại tăng nguy cơ bệnh tật nhưng nhiều người tưởng tốt - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, quá trình nhai còn có thể thúc đẩy quá trình tiết nước bọt enzym tiêu hóa trong miệng để hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn. Việc nhai trái cây cũng giúp chúng ta kiểm soát lượng trái cây, lượng đường nạp vào cơ thể tốt hơn, tốc độ hấp thụ đường chậm đi.

Tuy nhiên, ông nhắc nhở rằng ngay cả với trái cây tươi ăn trực tiếp, không ép nước cũng không nên ăn quá nhiều. Khuyến cáo mỗi người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên ăn khoảng 400g trái cây. Loại trái cây ăn hằng ngày cũng không nên lựa chọn loại quá ngọt. Đặc biệt là nên ăn trái cây khi chín tới thay vì để chín quá hay chín nẫu vì sẽ không tốt cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *