Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nguyên trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1), thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 là lúc dịch thủy đậu hoạt động mạnh.
Chuyên gia chỉ cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà để phòng biến chứng
GĐXH – Mặc dù là bệnh lành tính nhưng bệnh thủy đậu cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nếu chăm sóc không đúng cách.
Theo thông tin từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, từ đầu năm tới nay trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 548 ca mắc thủy đậu, đa phần là trẻ em ở nhóm mầm non và tiểu học.
Đáng nói, không chỉ trẻ em mà số ca người lớn mắc thủy đậu cũng đã ghi nhận ngày một nhiều tại cơ sở y tế tại Hà Nội. Tại khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn chỉ hơn 1 tuần qua đã ghi nhận 9 ca mắc thủy đậu, tất cả đều là người lớn. Trong đó có 8 bệnh nhân cùng sinh sống trong một khu vực.
Thủy đậu là căn bệnh do virus Varicella zoster gây ra, thường bùng phát dịch vào mùa xuân nhưng cũng có thể xảy ra quanh năm. Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, nguyên trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1), thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 là lúc dịch thủy đậu hoạt động mạnh.
BS Trương Hữu Khanh.
Dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu không điều trị kịp thời thì cũng rất dễ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Đáng nói, nhiều người đang mắc phải các sai lầm trong quá trình điều trị bệnh, vô tình khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ giải đáp những hiểu lầm tai hại về bệnh thủy đậu
Hiểu lầm 1: Thủy đậu là bệnh có thể tái phát?
BS Trương Hữu Khanh: Đây là thông tin không đúng. Thủy đậu chỉ xuất hiện duy nhất một lần trong đời, không có chuyện đã mắc bệnh thủy đậu rồi lại tiếp tục phát bệnh lần nữa.
Hiểu lầm 2: Nên chọc các nốt thủy đậu để bôi thuốc cho mau lành?
BS Trương Hữu Khanh: Chọc ngoáy các nốt thủy đậu cho bóng nước vỡ ra rồi bôi thuốc không làm bệnh hết nhanh hơn mà còn khiến cho vết thương bị nhiễm trùng và để lại sẹo.
Hiểu lầm 3: Bệnh thủy đậu nên uống nước, tắm nước cây cỏ?
BS Trương Hữu Khanh: Đây là những phương pháp chữa bệnh không chính xác. Dân gian gọi bệnh thủy đậu là trái rạ, do đó mọi người mách nhau nên uống nước, tắm nước cây cỏ, thực vật có chữ “rạ”… Tuy nhiên tên bệnh (trái rạ) và tên cây cỏ chỉ là một cách gọi, không liên quan gì với nhau. Uống những thứ nước này thậm chí còn gây ra ngộ độc.
Hiểu lầm 4: Bị thủy đậu nên chùm kín người, cần kiêng gió, kiêng tắm?
BS Trương Hữu Khanh: Nhiều người cho rằng khi bị thủy đậu nên chùm kín người, kiêng gió để “rạ” phát ra càng nhiều. Tuy nhiên, thủy đậu phát tán nhiều trên người càng khiến nguy cơ nhiễm trùng da tăng cao, có thể dẫn đến sẹo và nặng hơn là nhiễm trùng huyết.
Ngoài ra, nếu người bệnh kiêng tắm, các vi khuẩn có hại trên da không được gột rửa và sẽ vô tình làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn trên các nốt mụn thủy đậu. Cuối cùng khiến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo bác sĩ Khanh, người bệnh thủy đậu có thể điều trị ngoại trú. Trừ những trường hợp đặc biệt như trẻ nhiễm bệnh khi dưới 1 tháng tuổi hoặc có những biến chứng, bệnh lý nặng như thận hư, ung thư máu, đang sử dụng thuốc đặc trị mà không may mắc thủy đậu khiến bệnh nặng mới cần nhập viện.
BS Khanh khuyên mọi người khi mắc bệnh nên nhanh chóng chữa trị bằng những cách phù hợp. Vì bệnh lây qua đường hô hấp nên phải liên tục mang khẩu trang. Nếu chưa mắc bệnh, tốt nhất nên phòng bệnh bằng cách tiêm vaccine theo lịch.
Cách tiêm vaccine với từng độ tuổi khác nhau, cụ thể:
– Trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi: 1 mũi.
– Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi và chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 1 mũi.
– Trẻ trên 13 tuổi/người lớn chưa từng mắc bệnh thủy đậu: 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 4-8 tuần.
– Phụ nữ có kế hoạch sinh con cần tiêm phòng vắc-xin thủy đậu trước khi dự định mang thai từ 3 đến 5 tháng (3 tháng với vắc-xin Varicella và 5 tháng với vắc-xin Varivax).