Vitamin D tan trong chất béo và vô cùng quan trọng với cơ thể, giữ cho xương chắc khỏe, cải thiện sức khỏe tinh thần và giúp ngủ ngon… Nếu thiếu sẽ gây ra nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau.
Các triệu chứng thiếu vitamin D phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt ít hay nghiêm trọng và tùy theo từng người. TS. Mindy Lacey, Phòng khám y học gia đình Trung tâm ngoại trú Durham (Hoa Kỳ) cho biết, sự thiếu hụt vitamin D đã trở nên phổ biến hơn trong vài năm qua. Do đó, nên sàng lọc tình trạng này ở những bệnh nhân thường hay mệt mỏi , các triệu chứng trầm cảm và các vấn đề về xương…
1. Triệu chứng khi thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D có thể gây mệt mỏi
Theo TS. Lacey, hầu hết bệnh nhân bị thiếu vitamin D đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, đau xương, yếu cơ hoặc thay đổi tâm trạng… đó là những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có điều gì đó bất thường.
Các triệu chứng thiếu vitamin D có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Ngủ không ngon giấc
- Đau xương hoặc đau nhức
- Trầm cảm hoặc cảm giác buồn bã
- Rụng tóc
- Yếu cơ
- Ăn mất ngon
- Dễ bị bệnh hơn
- Da nhợt nhạt…
Nếu bất kỳ triệu chứng nào trên đây xảy ra, bạn cần đi kiểm tra. Xét nghiệm máu sẽ cho biết lượng vitamin D trong phạm vi bình thường hay quá thấp.
2. Ai có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin D?
TS. Lacey cho biết, những người lớn tuổi ở trong nhà, người béo phì , người mắc bệnh loãng xương và những người mắc chứng rối loạn hấp thu kém (bệnh celiac, viêm ruột)… cũng có nguy cơ bị thiếu vitamin D.
Trẻ bú sữa mẹ cũng cần bổ sung vitamin D . Trẻ sơ sinh đến 12 tháng tuổi nên tiêu thụ 400 đơn vị quốc tế (10 mcg) mỗi ngày, vì hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ thấp. Nếu không muốn cho trẻ ăn bổ sung, mẹ đang cho con bú có thể bổ sung vitamin D (theo chỉ định của bác sĩ), để tăng cường sữa của họ, TS. Lacey cho biết thêm.
3. Làm thế nào để có thêm vitamin D?
Tăng cường vitamin D cho cơ thể bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitaim D.
Dưới đây là một số cách giúp tăng cường vitamin D cho cơ thể:
– Ăn thực phẩm giàu vitamin D : Thực phẩm giàu vitamin D tự nhiên như cá (các loại cá béo như cá hồi, cá hồi, cá ngừ và cá thu; cá đóng hộp như cá trích và cá mòi), lòng đỏ trứng, gan bò, gan cá…
– Thực phẩm tăng cường vitamn D: Sữa, ngũ cốc và nước cam…
– Lấy từ ánh sáng mặt trời : Khi da tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời, cơ thể sẽ tự tạo ra vitamin D. Khi bạn ra ngoài, hãy sử dụng kem chống nắng để che những vùng da nhạy cảm, nhưng phơi nắng một chút cũng rất tốt cho tất cả mọi người, TS. Lacey khuyến cáo.
Nếu không nhận được ánh nắng thường xuyên trong những tháng mùa đông, bạn có thể cần phải tăng cường thời gian phơi nắng, tăng cường chế độ ăn uống với thực phẩm giàu vitamin D hoặc dùng thực phẩm bổ sung…
4. Bổ sung vitamin D có an toàn không?
Ở liều khuyến cáo, bổ sung vitamin D không gây ra nhiều tác dụng phụ. Những gì bạn không sử dụng, cơ thể thường đào thải ra ngoài, vì vậy rất khó để dùng quá liều vitamin D, trừ khi bạn dùng với liều lượng lớn.
Tác dụng phụ của việc bổ sung vitamin D có thể bao gồm táo bón và khô miệng. Hàm lượng vitamin D cực cao có hại và có thể gây buồn nôn, nôn, lú lẫn, khát nước quá mức và sỏi thận.
Thuốc bổ sung vitamin D có thể tương tác với một số loại thuốc, vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc.
5. Vitamin D và D3 có giống nhau không?
Vitamin D có hai dạng chính là D2 và D3. Bạn có thể hấp thụ cả hai loại trong cơ thể, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin D3 hiệu quả hơn vitamin D2. TS. Lacey khuyên nên dùng các chất bổ sung không kê đơn có chứa vitamin D3.
Mức khuyến nghị về chế độ ăn uống (RDA) vitamin D cho trẻ em từ 1 đến 18 tuổi, phụ nữ mang thai và người lớn không mang thai đến 70 tuổi là 600 đơn vị quốc tế. Sau 70 tuổi, nên tăng lên 800 đơn vị quốc tế. Nếu mức độ của bạn thấp nghiêm trọng, sẽ cần dùng thuốc bổ sung theo chỉ định của bác sĩ.